Mô Hình Trùn Quế & Gà Đồi

Mô hình nuôi giun quế kết hợp với gà đồi (16:45:32 Ngày 19/04/2010)

Nhìn vào cơ ngơi gần 400m2 chuồng trại kiên cố kết hợp nuôi giun quế với gà đồi vào loại lớn nhất nhì tỉnh trị giá cả tỉ đồng, chẳng ai nghĩ chủ nhân là một trung tá, bệnh binh mất 61% sức khoẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Ông chính là Nguyễn Văn Lý, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất thực phẩm sạch Thành Thịnh, người ta thường gọi ông với cái tên trìu mến: Ông Lý “giun quế”.

Chúng tôi đến thôn Quang Hiển, xã Quang Thịnh đúng lúc ông Lý đang vội vã chuẩn bị đi dự hội thảo khuyến nông ở tận Hải Dương. Anh cán bộ khuyến nông xã cho biết: “Hôm nay ông Lý vẫn còn thong thả đấy, ngày thường, lúc nào ông cũng tất bật vì những luống giun và các đoàn khách ở khắp mọi nơi tìm đến, nhiều khi xe con đỗ kín từ cổng vào”. Nhìn dáng người nhỏ nhắn thoăn thoắt hoà phân cho giun ăn ít ai nghĩ ông Lý đã ở cái tuổi 56. Người ta khâm phục ông bởi đức tính cần mẫn, sẵn sàng vén quần xuống vườn chăm giun. Vừa tranh thủ khai thác giun bán cho khách, ông Lý kể lại cơ duyên đến với nghề “hốt bạc” này.Vốn là bộ đội xuất ngũ, ông Lý luôn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Đã trải qua nhiều cách làm giàu, nhưng ông vẫn thấy không ổn định. Trong một chuyến đi tham quan ở thôn Võng La (Đông Anh – Hà Nội) ông Lý rất ấn tượng với mô hình nuôi giun quế. “Mặc dù người dân Võng La đất chật nhưng vẫn phát triển được mô hình nuôi giun rất hiệu quả thì tại sao quê mình lại không thể nuôi giun, trong khi diện tích và thức ăn (phân gia súc) đang dư thừa?”, ông nghĩ.

Đầu năm 2007, được sự giới thiệu và giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang và Cty thức ăn gia súc Đại Nam (trụ sở tại Hà Nội), ông đã mạnh dạn mua 20kg giun quế giống về thử nghiệm trên diện tích 6m2. Hàng ngày, ông cùng người vợ là bà Ngô Thị Mai tần tảo đi khắp các cánh đồng trong xã nhặt phân về cho giun ăn. Cuối năm 2007, ông Lý đã thu được 5 tạ giun thương phẩm và phát triển diện tích nuôi giun lên 90m2. Ông Lý cho biết: “Lúc đầu, do không có kinh nghiệm nên cũng phải trả giá kha khá đấy. Vì ủ phân chưa đủ độ mục, cứ thế cho ăn làm giun chết hàng loạt và kìm hãm sự phát triển”.

Qua những chuyến đi thực tế về Võng La và tìm tòi học hỏi trên các sách báo, ông Lý đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực còn mới mẻ này. Thấy chúng tôi có ý định nuôi giun, ông lý nhiệt tình hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật: Đầu tiên là phải xây chuồng trại kín đáo để che mưa che nắng. Luôn giữ nhiệt độ trung bình trong các luống giun ở 20độ C. Khi thời tiết xuống dưới 6 độ hoặc tăng lên trên 30 độ cần phải can thiệp bằng cách treo bóng điện sưởi ấm hoặc tưới nước làm mát cho giun. Trung bình, cứ 3 hôm cho giun ăn một lần. Nếu tuân thủ đúng các kỹ thuật thì chỉ sau một tháng với mật độ thả 2,5kg giống/m2 cho thu nhập khoảng 7 đến 8 cân giun thương phẩm.

Với giá thị trường từ 150- 200 nghìn đồng/kg giun thương phẩm, nuôi giun quế được coi là mô hình sản xuất “làm chơi ăn thật” do dễ làm, vốn đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế lại cao.  Kết hợp với nuôi giun, ông Lý đầu tư xây chuồng trại nuôi gà đồi. Tận dùng phân giun trộn với cám gà vừa tiết kiệm được 50% chi phí mua cám tăng trọng vừa rút ngắn thời gian xuất chuồng. Giun và phân giun có chứa nhiều chất đạm và chất kháng khuẩn, gà đồi cho ăn loại thực phẩm này luôn sạch giun sán, ít bệnh tật. Mô hình nuôi gà kết hợp với giun quế như của ông Lý được coi là hình thức sản xuất nông sản sạch của các địa phương hiện nay.

Nhờ sự năng động nhạy bén, ông Lý đã thành công từ mô hình. Hiện tại, ông đã mở rộng quy mô lên 200m2 đất nuôi giun, gần 200m2 chuồng trại thả gà đồi, lợi nhuận mỗi năm ít nhất trên 100 triệu đến 200 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, ông Lý đang dự định mở rộng mô hình nuôi giun kết hợp với thả gà đồi lên diện tích tới gần 6.000m2.

Thuỳ Dương – T/c Chăn nuôi, số 6 – 2009, tr 19

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *