Trùn Quế Và Mô Hình Thuỷ Sản Tại Phú Yên

HỘI NGHỀ CÁ PHÚ YÊN VỚI KẾT QỦA THỰC HIỆN CÁC MÔ HÌNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Từ ngày thành lập đến nay Hội Nghề Cá Phú Yên đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thuỷ sản tỉnh Phú Yên.

Sau các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại, tham quan, giới thiệu các quy trình kỹ thuật tiên tiến, phổ biến các thông tin mới về yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu trên thế giới, các quy định của nhà nước trong lĩnh vực sản xuất thuỷ sản, năm 2008 Hội Nghề Cá Phú Yên triển khai thực hiện các mô hình phát triển bền vững, nhân rộng mô hình để giúp bà con khắc phục khó khăn, thiệt hại, từng bước ổn định, phát triển sản xuất.

Đến nay kết quả đạt đuợc của một số mô hình tiêu biểu như sau:

1. Sản xuất sản phẩm phục vụ chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững: Mô hình nuôi trùn quế ( giun ), sản xuất phân trùn, các sản phẩm từ con trùn.
Đơn vị thực hiện mô hình: Trang Trại Đồng Tâm.
Diện tích sản xuất: 5.000 m2.
Địa điểm: Xã Hoà Thắng huyện Phú Hoà.
Nội dung mô hình: Khai thác điều kiện tự nhiên thuận lợi của địa phương (nguồn phân gia súc, rơm rạ sẵn có … làm thức ăn cho con trùn ) tổ chức nuôi trùn quế, sản xuất phân trùn, cung cấp các sản phẩm chế biến từ con trùn như “dịch trùn”, “trùn thịt sấy khô” … phục vụ chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững.
Kết quả: Sản lượng phân trùn năm 2008: 12 tấn, dịch trùn, trùn thịt sấy khô sản xuất thử nghiệm. Phân trùn sử dụng đối với các ao nuôi tôm khó gây tảo đạt kết quả tốt, tảo ổn định, môi trường ao nuôi trong sạch, các chỉ tiêu môi trường ổn định, tôm nuôi nhanh lớn, hiệu quả, được bà con rất yêu thích, tin dùng.
2. Khắc phục tình trạng tảo không ổn định đối với các ao nuôi tôm trên cát: Mô hình nuôi tôm chân trắng sạch bệnh.
Hộ thực hiện mô hình: Ông Bà Nguyễn Trung San.
Năm 2006, mô hình có 02 ao nuôi tôm trên cát tại phường 6 thành phố Tuy Hoà, diện tích mỗi ao 3.000 m2, 45 lồng nuôi tôm hùm, mỗi lồng nuôi 70 con tại Vũng Rô huyện Đông Hoà.
Năm 2007, đầu tư xây dựng mới 04 ao nuôi tôm trên cát tại xã Hoà Hiệp Bắc huyện Đông Hoà, trong đó: 02 ao có diện tích 3.600 m2/ao, 2 ao diên tích: 5.000 m2/ao. Diện tích này nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi tôm trên cát của tỉnh, đã trồng cây; gây rừng ( cây dương, rau muống biển… ) để giữ đất, phòng chống cát bay. Phía cuối khu vực có hệ thống ao xử lý để xử lý nước thãi của các ao nuôi tôm đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường mới xã thãi ra bên ngoài. Hệ thống này do Ban Quản Lý khu nuôi tôm trên cát quản lý, chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Nội dung mô hình: Quy trình nuôi hạn chế sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh, sử dụng phân trùn để gây màu, ổn định tảo, cho tôm ăn thức ăn bổ sung “trùn thịt sấy khô”, “dịch trùn“ để tăng sức đề kháng, phòng trừ bênh hại cho tôm nuôi
Kết quả: Tôm nuôi ổn định, không bị bệnh trong quá trình nuôi. Số liệu cụ thể kết quả thu hoạch 01 ao nuôi tại xã Hoà Hiệp Bắc huyện Đông Hoà như sau: Diện tích ao nuôi: 3.600 m2, ngày xuống giống: 26/01/2008 , ngày thu hoạch: 30/4/2008, sản lượng: 7,0 tấn, tỷ lệ sống: 94,23%, hệ số chuyển đổi thức ăn: FCR = 0,95, cỡ tôm: 70 con/kg, giá bán: 57.000 đồng/kg, doanh thu: 399.000.000 đồng, hiệu quả: Lãi 125.000.000 đồng.
3. Khắc phục dịch bệnh đối với vùng nuôi tôm bị bệnh đốm trắng, phân trắng: Mô hình nuôi tôm theo cơ chế lọc sinh học: “Tôm sú + cá rô phi + phân trùn ( giun )”.
3.1 Vùng nuôi tôm bị bệnh đốm trắng:
Hộ thực hiện mô hình: Ông Bà Huỳnh Xuân Sỹ, Ủy viên BCH Chi Hội Nghề Cá An Chấn, Tuy An.
3.1.1. Đối vớinuôi tôm sú:
– Ao nuôi: Diện tích 2.000 m2.
– Địa điểm: Xã An Chấn huyện Tuy An tỉnh Phú Yên.
3.1.2. Đối vớinuôi cá rô phi:
– Địa điểm: Nuôi quảng canh ở kênh thoát dẫn ra sông Đồng Nai. Do điều kiện đất chật hẹp, kênh thoát cũng đồng thời là kênh cấp.
– Chiều dài kênh: 50 m.
3.1.3. Nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi:
Quy trình nuôi hạn chế sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh, sử dụng phân trùn để gây màu, ổn định tảo, khi tôm được 01 tháng tuổi, thả cá rô phi để làm sạch môi trường ao nuôi, mật độ thả: 0,1 con/m2, ( cỡ cá: l = 1-2 cm/con ), để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi, cho tôm ăn thức ăn với “Trùn thịt sấy khô”, ngày cho ăn 1 lần vào buổi chiều. Liều lượng và cách làm:
– Thức ăn: Theo bảng hướng dẫn sử dụng thức ăn của nhà sản xuất.
– Trùn thịt: 3 gam/kg thức ăn.
– Chuối ( đã lột vỏ ): 50 gam/kg thức ăn.
– Một ít nước vừa đủ, xay đều bằng máy xay trái cây.
– Trộn đều, để 30 phút cho khô, sau đó cho tôm ăn.
– 3 lần còn lại cho ăn bình thường.
Vụ nuôi đạt kết quả như sau:
– Ngày xuống giống: 17/01/2008.
– Số lượng giống thả: 110.000 con.
– Ngày thu hoạch: 01/5/2008.
– Sản lượng: 1.300 kg.
– Cỡ tôm thu hoạch: 80 con/kg.
– Giá bán: 65.000 đồng/kg.
– Doanh thu: 84.500.000 đ ồng.
– Tỷ lệ sống: 94,54%.
– Hệ số chuyển đổi thức ăn FCR: 1,4.
– Hiệu quả: Tuy vùng nuôi bị dịch bệnh, ao nuôi bên cạnh ( Hộ anh Nguyễn Văn Hướng ) tôm bị bệnh đốm trắng, thất bại, nhưng ao mô hình tôm nuôi vẫn phát triển tốt, hiệu quả, lãi được 20.000.000 đồng sau hơn 03 tháng nuôi.
3.2 Vùng nuôi tôm bị bệnh phân trắng:
Hộ thực hiện mô hình: Ông Bà Nguyễn Khắc Huy.
Địa điểm: Xã Xuân Cảnh huyện Sông Cầu.
Diện tích ao nuôi: 3.000 m2.
Nội dung mô hình: Khi tôm được 01 tháng tuổi cho ăn thức ăn bổ sung “dịch trùn“ ( Xay từ trùn thịt tươi nhằm lấy ra tốt nhất lượng vi khuẩn Bacillus, các chất dinh dưỡng: Đạm, khoáng, viatmin … có trong con trùn để bổ sung cho tôm nuôi ). Liều lượng và cách làm:
– Ngày cho ăn 1 lần vào bữa ăn chính.
– Thức ăn: Theo bảng hướng dẫn sử dụng thức ăn của nhà sản xuất.
– Dùng 01 kg dịch trùn, một ít nước vừa đủ, trộn đều với 50 kg thức ăn, để 30 phút cho khô, sau đó cho tôm ăn.
– Các lần còn lại cho tôm ăn bình thường.
Kết quả: Tuy năm nay khu vực huyện Sông Cầu, tôm nuôi bị bệnh phân trắng xãy ra, lây lan trên diện rộng, nhưng ao mô hình tôm vẫn phát triển tốt. Các khoảng mục trong giá thành sản xuất: Chi phí cải tạo ao hồ, tiền công lao động, con giống, thức ăn, hoá chất, chế phẩm sinh học … đều tăng cao, giá xuất bán tôm sú lại giảm so với vụ trước ( trung bình giảm 30.000 đồng/kg ), nên hiệu quả đạt thấp, chỉ lãi được 10.000.000 đồng sau 4 tháng 9 ngày nuôi ( xuống giống ngày 14/4/2008, thu hoạch ngày 23/8/2008, đạt sản lượng 780 kg, cỡ tôm 55 con/kg, gíá bán 70.000 đồng/kg, doanh thu 54.600.000 đồng ).
4. Khắc phục dịch bệnh “ sữa “ trên tôm hùm nuôi: Mô hình quản lý dựa vào cộng đồng, đồng quản lý vùng nuôi tôm hùm.
Đơn vị thực hiện mô hình: Tổ Quản lý cộng đồng vùng nuôi tôm hùm xã Xuân Cảnh huyện Sông Cầu.
Nội dung mô hình: Thực hiện phương thức quản lý dựa vào cộng đồng, đồng quản lý trong quá trình nuôi, các hộ dân có trách nhiệm giúp đỡ nhau, cùng nhau quản lý thực hiện tốt chương trình phòng chống “ bệnh sữa “, giữ gìn vệ sinh môi trường để ngăn chặn bệnh tái phát, lây lan, phục hồi, phát triển khả năng nuôi trồng thuỷ sản của thuỷ vực.
Đối với tôm hùm nuôi thương phẩm: Sau khi tiêm thuốc kháng sinh (Oxytetraxyline) Tổ cho tôm ăn thức ăn bổ dưỡng: “Giáp xác” + “thân mềm”+ “cá”, thành phần: Cua, ghẹ, vẹm xanh 30%; cá tạp, tôm dăm 70%, vitamin, men vi sinh, ngày cho ăn 1 lần vào buổi sáng, nhiều hộ pha chế thức ăn với dịch trùn (giun), trùn khô, nhằm bổ sung lượng đạm, khoáng, các chất dinh dưỡng, vitamin, bổ sung vi khuẩn Bacillus có trong con trùn cho tôm hùm nuôi, nhằm giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong con trùn, tăng sức đề kháng, phòng bệnh tái phát, liều lượng và cách làm: Xay trùn thịt sấy khô trộn đều vào thức ăn, liều lượng 3 g/kg thức ăn, ướp trong 30 phút, trộn áo bằng dịch trùn, liều lượng: 1 kg dịch trùn cho 50 kg thức ăn, sau đó cho tôm ăn.
Hằng ngày lặn xuống kiểm tra tình trạng hoạt động, sức khỏe của tôm, vệ sinh lồng, sau đó cho tôm ăn, định kỳ 1 tháng cảo lồng 1 lần.
Kết quả:Vụ nuôi năm 2007 – 2008, Tổ nuôi tôm có sự quản lý cộng đồng đạt kết quả như sau:
+ Số lồng nuôi tôm hùm thương phẩm: 3.787 lồng ( trong đó, Tôm Hùm Bông: 2.350 lồng, Tôm Hùm Xanh: 1.437 lồng ).
+ Số giống nuôi: 126.800 con ( trong đó, Tôm Hùm Bông: 93.700 con, Tôm Hùm Xanh: 33.100 con ).
+ Thời gian xuống giống:
– Tôm Hùm Bông: Tháng 1,2,3/2007.
– Tôm Hùm Xanh: Tháng 5,6,7/2007.
+ Thời gian thu hoạch:
– Tôm Hùm Bông: Tháng 8,9,10/2008.
– Tôm Hùm Xanh: Tháng 5,6,7/2008.
+ Sản lượng thu hoạch: 127,98 tấn.
+ Năng suất bình quân:
– Tôm Hùm Bông: 30 kg/lồng.
– Tôm Hùm Xanh: 40 kg/lồng.
+ Giá bán:
– Tôm Hùm Bông: 1.100.000 đồng/kg.
– Tôm Hùm Xanh: 750.000 đồng/kg.
+ Doanh thu: Hơn 120 tỷ đồng.
+ Hiệu quả:
– 90% các hộ lãi.
– 05 % hòa vốn.
– 05 % lỗ ít.
Kết luận: Trong điều kiện nhân lực rất mỏng, cơ sở vật chất kỹ thuật hầu như chưa có gì, nhưng bằng tâm huyết với nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, quyết không đầu hàng trước dịch bệnh trong nuôi trồng, các bất hợp lý trong quản lý sản xuất thuỷ sản, Hội Nghề Cá Phú Yên đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kế hoạch. Kết quả đạt được tuy còn khiêm tốn, chưa nói lên được điều gì, nhưng thực sự là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao giúp bà con an tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Đề xuất: Để thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2009, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội, Hội Nghề Cá, các cấp, các ngành quan tâm phối hợp tổ chức truyền đạt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến bà con nông; ngư dân, giải quyết kịp thời các đề nghị hợp lý của bà con, nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến trong cộng đồng, thực hiện phương thức quản lý dựa vàocộng đồng và đồng quản lý trong nuôi trồng thuỷ sản trên toàn bộ các vùng nuôi chắc chắn sẽ là một trong các giải pháp tốt nhất để đi đến mục tiêu: “ Phát triển sản xuất phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường để phát triển bền vững “./.
Huỳnh Văn Vũ – Hội Nghề Cá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *